Đăng Ký Học
Ngày 05/01/2025 11:14:22, lượt xem: 95
Đề bài: Tác phẩm lựa chọn: "Sang thu" - Hữu Thỉnh
Bỗng nhận ra hương ổi
Phả vào trong gió se
Sương chùng chình qua ngõ
Hình như thu đã về
Sông được lúc dềnh dàng
Chim bắt đầu vội vã
Có đám mây mùa hạ
Vắt nửa mình sang thu
Vẫn còn bao nhiêu nắng
Đã vơi dần cơn mưa
Sấm cũng bớt bất ngờ
Trên hàng cây đứng tuổi.
Bài làm:
Mùa thu luôn là đề tài, là cảm hứng quen thuộc của thơ ca. Và cũng là mùa thu ấy nhưng dưới màu mực của mỗi thi nhân thì lại vô cùng đặc biệt, không bị trùng lặp. Trong kho tàng thơ ca dân tộc, ta đã từng biết đến một mùa thu trong veo trong thơ Nguyễn Khuyến, một nàng thu “ngơ ngác” trong sáng tác của Lưu Trọng Lư, một mùa thu dào dạt và đượm buồn trong thơ Xuân Diệu. Và khi đến với Hữu Thỉnh ta được gặp gỡ một hơi thở mùa thu thật nhẹ nhàng, tinh tế và đầy sâu sắc. “Sang thu” của Hữu Thỉnh để lại ấn tượng trong ta không chỉ bởi cảnh sắc của bức tranh giao mùa mà còn bởi những nét đặc sắc trong nghệ thuật.
Hữu Thỉnh là một nhà thơ nổi tiếng của nền văn học Việt Nam hiện đại. Ngòi bút của ông thăng hoa nhất ở những vần thơ viết về con người và cuộc sống nông thôn. Không xa hoa hay cầu kì, những lời thơ của ông giản dị mà vô cùng tinh tế, sâu sắc. Đọc “Sang thu” ta càng thấy rõ sự tinh tế và sâu sắc ấy. Bài thơ là những cảm nhận, những rung động man mác của nhà thơ trước sự biến đổi của thiên nhiên, đất trời. “Sang thu” giống như một thước phim quay chậm, còn Hữu Thỉnh giống như một người đạo diễn tài ba “bắt” được tất cả những dấu ấn đẹp nhất của thời khắc hạ chuyển sang thu để mang đến cho độc giả những khoảnh khắc hoàn hảo nhất. Đọc “Sang thu” ta tưởng như bước đi của thời gian đang trùng xuống, vừa luyến tiếc không muốn rời xa mùa hạ nhưng cũng háo hức, muốn chạy tới mùa thu. Đặc biệt hơn cả, lồng ghép trong câu chuyện về thiên nhiên đó là hình ảnh của con người với những chiêm nghiệm về cuộc sống khi bước sang ngưỡng cửa thu của cuộc đời.
“Sang thu” trước hết cho ta thấy những bức ảnh thật đẹp về khoảnh khắc thu gõ cửa. Những bức ảnh đó là câu chuyện của vạn vật, là câu chuyện của gió se, của hương ổi, của dòng sông, của đám mây, của đàn chim,...
Bỗng nhận ra hương ổi
Phả vào trong gió se
Tín hiệu đầu tiên của mùa thu thi nhân cảm nhận được đó là ngọn gió se lạnh nhẹ nhàng hòa quyện với hương ổi đang độ vào mùa. Khác với mùa thu của Nguyễn Khuyến với ao thu, sóng biếc, lá vàng,... mùa thu của Hữu Thỉnh mở ra với mùi hương ổi giản dị và thân thuộc. Chúng “phả” một mùi hương nồng nàn, lan tỏa đến mọi ngóc ngách của đất trời mùa thu như báo hiệu cho vạn vật biết rằng: “nàng thu đã tới. Không háo hức, vội vã như “hương ổi”, “sương” lại chậm rãi hơn nhiều:
Sương chùng chình qua ngõ
Lí do gì khiến sương lại “chùng chình”, lại bước đi nhẹ nhàng, chậm chạp như vậy nhỉ? Sương đang luyến tiếc điều gì ở mùa hạ chăng? Hay sương đang e sợ thứ gì của mùa thu ư? Câu thơ gợi ra khung cảnh với những làn sương trắng mỏng manh đang cuốn lấy mọi vật, lấy “ngõ” như muốn níu kéo chút gì đó của nàng hạ còn sót lại.
ĐỌC THÊM: VIẾT BÁO CÁO NGHIÊN CỨU VỀ MỘT VẤN ĐỀ TỰ NHIÊN, XÃ HỘI | MÔI TRƯỜNG Ô NHIỄM
Bước sang khổ thơ thứ hai, dấu hiệu của thu sang được miêu tả ở một không gian rộng hơn và cao hơn.
Sông được lúc dềnh dàng
Chim bắt đầu vội vã
Có đám mây mùa hạ
Vắt nửa mình sang thu
Dòng sông được nhân hóa “dềnh dành” gợi ra sự chậm chạp, thong thả và bình tĩnh. Không gấp gáp, ào ạt như lúc hạ sang, thu về khiến dòng sông thật nhẹ nhàng, yên ả. Sông đang muốn kéo dài thời gian bên hạ ư? Hay bởi thu mang vẻ đẹp quyến rũ, dịu dàng nên dòng sông cũng phải chuyển mình theo? Không “dềnh dàng” như sông, “chim” đã bắt đầu “vội vã” đi về phương Nam tránh rét. Đám mây trắng cũng rất tinh nghịch khi mới “vắt nửa mình”, vẫn còn mải chơi với mùa hạ.
Vẫn còn bao nhiêu nắng
Đã vơi dần cơn mưa
Sấm cũng bớt bất ngờ
Trên hàng cây đứng tuổi.
Cũng là nắng, là mưa, là sấm đó nhưng khi thu sang chúng đã khác đi rất nhiều. Cái nắng chói chang, gay gắt của hạ đã không còn, màu của nắng nhạt và nhẹ nhàng hơn. Cũng không còn những cơn mưa rào bất ngờ hay những những cơn mưa bóng mây đột ngột nữa, mưa “đã vơi dần”. Những cơn sấm chớp cũng “bớt” đi nhiều. “Vẫn còn”, “vơi dần”, “bớt” cho thấy rõ sự giảm đi cả về cường độ lẫn mức độ của thiên nhiên khi thu tới.
Bắt nhịp cùng sự thay đổi ấy của thiên nhiên là những cảm xúc của thi nhân. Thi nhân chợt thấy “bỗng”, thấy ngỡ ngàng, ngạc nhiên và bất ngờ trước những tín hiệu đó mà thốt lên rằng: “Hình như thu đã về”. Dường như nhà thơ còn chưa tin tưởng lắm vào cảm nhận của mình, vẫn cảm thấy mơ hồ bởi những tín hiệu của thu sang. Nhưng khi thấy rõ hơn sự thay đổi ấy trong sự “dềnh dàng” của dòng sông, sự “vội vã” của đàn chim ông đã chắc chắn rằng dòng chảy một năm đã đi được ⅔ quãng đường rồi. Sự thay đổi trong thiên nhiên gợi ra trong lòng người viết những xúc cảm bâng khuâng, xao xuyến bởi sự chuyển giao của đất trời. “Sấm” ẩn dụ cho những biến cố, những khó khăn của đời người mà ai cũng phải đi qua. “Hàng cây đứng tuổi” là những cành cây lâu năm, rễ đã cắm sâu trong lòng đất vô cùng chắc chắn, đã được tôi luyện qua rất nhiều cơn giông tố. Vì thế những cơn giông tố kia chẳng thể nào quật đổ được cây. Giống như những người từng trải vậy. Họ đã trải qua rất nhiều khó khăn, gian nan và thử thách trên đường đời. Và những lần vấp ngã ấy cho họ thêm sức mạnh, cho họ thêm bài học để từ đó họ trở nên vững vàng và mạnh mẽ hơn.
ĐỌC THÊM: VIẾT VĂN BẢN NGHỊ LUẬN VỀ MỘT TÁC PHẨM VĂN HỌC | PHÂN TÍCH TÁC PHẨM "ĐỘC TIỂU THANH KÍ
Không chỉ tạo ấn tượng với người đọc qua bức tranh thiên nhiên sinh động và những chiêm nghiệm sâu sắc về cuộc đời, “Sang thu” còn khiến người đọc lưu luyến bởi những đặc sắc trong nghệ thuật. Thể thơ năm chữ tự do cùng với những hình ảnh giản dị, quen thuộc tạo nên một bức tranh thiên nhiên tuyệt hảo, tạo ấn tượng sâu sắc trong lòng người đọc. Ngôn ngữ thơ giản dị, trong sáng mà giàu sức biểu cảm giúp người đọc thấy rõ những tinh tế, nhạy cảm của Hữu Thỉnh trước bước chuyển của thời gian. Đồng thời bức tranh ấy còn được tác giả thả vào những rung động tinh tế, sâu sắc qua các giác quan: xúc giác (để cảm nhận gió se), khứu giác (để nhận ra hương ổi), thị giác (để nhìn thấy sự “dềnh dàng” của dòng sông, sự “chùng chình” của làn sương,...). Nhờ đó người đọc được chiêm ngưỡng bức tranh hạ đi thu về ở nhiều khía cạnh, để bức tranh ấy trở nên toàn vẹn và nhiều màu. Bên cạnh đó với những biện pháp tu từ như nhân hóa “sông” – “dềnh dàng”, “sương” – “chùng chình”, “đám mây” – “vắt”; ẩn dụ “sấm”, “hàng cây đứng tuổi” đã giúp các câu thơ tăng sức gợi hình, gợi cảm và tạo ấn tượng sâu sắc trong lòng người đọc.
“Sang thu” của Hữu Thỉnh quả là một bài thơ đặc sắc cả về nội dung lẫn nghệ thuật. Những vần thơ thu của Hữu Thỉnh luôn mang đến cảm xúc bâng khuâng, vấn vương trước đất trời trong trẻo, đang biến chuyển nhẹ nhàng. Và có lẽ nhờ vào cái sự tinh tế, nhẹ nhàng này mà sáng tác của Hữu Thỉnh luôn sống mãi với dòng chảy thi ca mặc cho đề tài mùa thu đã trở thành “lối về” của không ít thi sĩ.
Đăng ký khóa học và đọc thêm nhiều bài viết hấp dẫn khác của Học Văn Chị Hiên tại đây:
- Fanpage Học Văn Chị Hiên
- Fanpage Học Văn Chị Hiên - THCS Lớp 6,7,8,9
- Khóa học TOÀN DIỆN LỚP 10 - 2K9
- Khóa học KỸ NĂNG VIẾT VĂN NGHỊ LUẬN CHUYÊN SÂU
Tin liên quan